Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh học

Hiện nay, việc ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi heo còn gọi là “nuôi heo không tắm”, đây là mô hình chăn nuôi mới được nhân rộng nhiều nơi.

Nguyên lý cơ bản của mô hình này là dùng chế phẩm sinh học để trộn vào đệm lót nền chuồng nhằm phân hủy mùi hôi của chất thải chăn nuôi, làm cho môi trường hoàn toàn không có mùi hôi. Trong quá trình nuôi không tắm, không dội, rửa chuồng. Nhiệt độ của đệm lót sinh học luôn ấm, nóng từ 35 – 60­­­­­ºC, càng gần phía đáy nền nhiệt độ càng cao. Chính vì thế nên một số vi khuẩn không thích hợp, không tồn tại, làm cho heo ít nhiễm bệnh về đường tiêu hóa, đường hô hấp. Phương pháp chăn nuôi này tiết kiệm được công tắm, dội chuồng; tiết kiệm điện, nước; giảm chi phí trị bệnh cho heo.

Yêu cầu chuồng nuôi

Chuồng nuôi phải thoáng, chiều cao của mái chuồng tính từ mặt nền từ 3 – 3,5 m, diện tích ô chuồng từ 10 – 20 m2 nhưng phải đảm bảo tối thiểu là 1,2 m2/con, thích hợp nhất là 20 m2/15 heo thịt. Chuồng nuôi cần có hệ thống phun nước để làm mát trong mùa hè và giữ độ ẩm đệm lót. Máng ăn và vòi nước uống tự động (máng nước) đặt ở 2 phía đối nhau để heo đi lại nhiều làm đảo chất độn tạo điều kiện cho quá trình lên men thuận lợi hơn. Máng ăn nên bố trí cao hơn mặt đệm lót khoảng 20 cm tránh chất độn rơi vào thức ăn và có máng hứng dưới vòi nước tự động nhằm hạn chế nước chảy vào đệm lót. Vách xây gạch bao xung quanh cao 0,8 m – 1,2 m; phía ngoài có hệ thống bạt kéo nhằm che chắn khi mưa, che gió lùa mùa đông, khi nắng nóng thì kéo bạt lên cho thoáng mát.

Xây dựng nền đệm lót

1. Xây dựng nền chuồng

Nền chuồng được chia làm 2 phần: Phần chứa đệm lót chiếm 2/3 diện tích ô chuồng, có chiều sâu khoảng 50 – 60 cm; phần lát gạch hoặc láng xi măng chiếm 1/3 diện tích để cho heo tránh nóng.

Nếu nền chuồng đất thì cần phải nện cho dẽ đất, nếu nền chuồng bằng xi măng thì giữ nguyên nhưng phải đục lỗ, mỗi lỗ 4 cm, khoảng cách 2 lỗ 30 cm.

2. Chuẩn bị nguyên vật liệu

Làm đệm lót bằng trấu và mùn cưa, diện tích 20 m2, dầy 60-70 cm, nguyên liệu cần có:

– Trấu khoảng 70 bao, mùn cưa khoảng 40 bao.

– Cám mịn (bột bắp): 20 Kg.

– Chế phẩm Balasa N01: 01 Kg.

– Bạt nilon, thùng ủ men 200 Lít.

nen chuongNền chuồng đang xây để làm đệm lót

3. Cách làm đệm lót      

Bước 1: tạo nước men

Cho 1 kg chế phẩm Balasa No1 và 15 kg cám mịn hoặc bột bắp vào thùng, thêm 200 lít nước sạch, khuấy đều, để khoảng 1 – 2 giờ, rồi đậy kín và ủ ấm 2 ngày, sau đó ta mở nắp ra thấy có mùi men bốc lên.

Bước 2: tạo hỗn hợp bột

Cám gạo hoặc bột bắp còn lại 5 kg, lấy khoảng 2 lít nước men đã tạo ở bước 1 cho vào, trộn đều sau đó để ở chỗ ấm (trước khi bắt đầu làm đệm lót 5 – 7 giờ).

Bước 3: làm nền đệm lót

Gồm 2 lớp:

+ Lớp 1: rải lớp trấu vào nền chuồng làm đệm lót có độ dày 30 cm, sau đó tưới nước sạch, trộn đều bảo đảm độ ẩm vừa phải không khô và không ướt. Tiếp theo tưới đều 100 lít nước men và rải đều một phần bả cám (bắp) có trong nước men lên trên mặt lớp trấu.

+ Lớp 2: cho tiếp mùn cưa (50%) + trấu (50%) vào nền chuồng dày 30 cm và phun nước, trộn đều bảo đảm độ ẩm vừa phải không khô và không ướt, sau đó rải đều 5 kg hỗn hợp bột cám (bắp) đã xử lý lên trên mặt lớp mùn cưa và tưới đều 100 lít nước men còn lại lên lớp mùn cưa, tiếp tục rắc đều hết phần bả cám (bắp) còn lại lên mặt lớp mùn cưa.

Bước 4: thả heo

Sau 3 – 5 ngày đậy bạt, ta mở bạt ra và kiểm tra độ ấm trong nền chuồng thấy ấm tay thì cào xới lên, sau 60 phút thì cho heo vào (mùa lạnh có thể thả heo vào sớm hơn).

heo nuoi dem lot sinh hocHeo nuôi trên nền đệm lót

Bảo quản nền đệm lót

Sau khi thả heo vào chuồng, hàng ngày heo thải phân ra, cần phải cào phân trải đều trên nền chuồng. Nếu mặt nền đệm lót trong chuồng khô thì cần phun đều nước sạch cho đủ độ ẩm, khi đệm lót ướt cần bổ sung chất độn lót khô.

Đệm lót hoạt động tốt phải đảm bảo có độ tơi xốp thì sự tiêu hủy phân mới nhanh do vậy hàng ngày phải chú ý xới tơi đệm lót sâu 15 cm, đặc biệt ở chỗ đệm lót có hiện tượng kết khối.

Để phân, nước tiểu được tiêu hủy triệt để và kéo dài tuổi thọ của đệm lót cần kết hợp cho ăn thức ăn lên men hoặc men tiêu hóa (nhằm giảm thải phân và giảm độ thối của phân, giảm chi phí thức ăn, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tăng hiệu quả kinh tế).

Sau 1 – 2 đợt nuôi nếu đệm lót bị sụt giảm bổ sung thêm 5 – 10% chất độn và chế phẩm men.

Với mô hình này sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí sản xuất, hạn chế dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường xung quanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Trần Trọng Hiếu – BM Chăn nuôi Thú y