Nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu

Buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “NÔNG NGHIỆP THÔNG MINH THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU” được Bộ môn Trồng trọt và Phát triển Nông thôn, Khoa Nông nghiệp-Thủy sản, Trường Đại học Trà Vinh tổ chức vào ngày 27/3/2022.

Nền Nông nghiệp của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn. Đồng thời, việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm gia tăng năng suất đã gây tác động xấu đến sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường sống của chúng ta. Để duy trì sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh này, nhiều phương pháp thực hành nông nghiệp đã và đang được ứng dụng hiệu quả như giống cây trồng mới, quản lý phân bón, quản lý nước tưới và quản lý đất bền vững. Các biện pháp áp dụng đều nhắm tới mục tiêu sản xuất theo hướng hữu cơ, tạo ra sản phẩm an toàn cho người sử dụng và thân thiện với môi trường.

Nhằm giúp cho các em sinh viên ngành Nông nghiệp cập nhật những kiến thức mới, những tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp, cũng như có cái nhìn tổng quát về sự phát triển của ngành Nông nghiệp hiện nay. Bộ môn TT & PTNT đã tổ chức buổi tọa đàm “Nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” với sự tham gia của các diễn giả có nhiều năm nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm:

  1. PGS. TS Trần Thị Ba – Nguyên giảng viên Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ, chuyên gia nghiên cứu về Cây rau khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
  2. Tiến sĩ Lê Quốc Điền – Phó GĐ sở NN & PTNT tỉnh Đồng Tháp, Nguyên Giám đốc Trung tâm chuyển giao Tiến bộ Khoa học Kỹ thuật – Viện Cây ăn quả miền Nam, chuyên gia nghiên cứu về Cây ăn trái.
  3. Ông La Quốc Yên, Chủ nhiệm HTX Châu Hưng chuyên sản xuất rau và lúa hữu cơ, Đội trưởng kinh doanh Tập Đoàn Lộc Trời chi nhánh Trà Vinh.

Về phía Khoa Nông nghiệp – Thủy sản, Trường Đại học Trà Vinh có sự tham gia của TS. Lê Trúc Linh – Trưởng Khoa, cùng với quý Thầy, Cô Bộ môn TT-PTNT và 40 em sinh viên ngành Nông nghiệp Trường Đại học Trà Vinh.

Hình 1. Các diễn giả của buổi tọa đàm

Trong buổi tọa đàm các diễn giả đã chia sẻ nhiều thông tin quý báu liên quan đến sản xuất rau, sản xuất lúa và sản xuât cây ăn trái. Đầu tiên, PGS. TS Trần Thị Ba đã có những chia sẻ tâm huyết về các kỹ thuật canh tác nông nghiệp thông minh mà cô và đồng nghiệp đã nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật cho người dân áp dụng thành công trên nhiều đối tượng rau màu, như kỹ thuật sử dụng màng phủ nông nghiệp trong canh tác rau màu, kỹ thuật ghép gốc, kỹ thuật trồng rau trong nhà sử dụng chiếu sáng nhân tạo bằng đèn LED, kỹ thuật tưới nhỏ giọt/tưới thấm/tưới phun phù hợp đối với từng đối tượng cây trồng, kỹ thuật trồng rau thủy canh, rau mầm và kỹ thuật sản xuất rau màu trên nên giá thể kết hợp với tưới nhỏ giọt. Những ưu nhược điểm của các kỹ thuật canh tác mới, những thành công của các mô hình áp dụng kỹ thuật mới này đều được cô phân tích và chỉ ra trong buổi tọa đàm.

Hình 2. PGS. TS Trần Thị Ba chia sẻ tiến bộ kỹ thuật ghép rau

Bên cạnh đó, TS. Lê Quốc Điền đã chia sẻ tâm đắc trong buổi tọa đàm về áp dụng sản xuất nông nghiệp thông minh trong phát triển các HTX nông nghiệp như: thông minh về thị trường tiêu thụ, thông minh về chuyển đổi số, thông minh về giống, phân bón, kỹ thuật và thông minh về quản lý và nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm. Điều này đúng như quan điểm của thầy đã được nêu trong bài báo cáo, đó là ngày nay chúng ta cần chuyển từ tư duy “Sản xuất Nông nghiệp” sang tư duy “Kinh tế Nông nghiệp”.

Hình 3. TS. Lê Quốc Điền chia sẻ về mô hình sản xuất Nông nghiệp tiên tiến, bền vững

Ngoài ra đến với buổi tọa đàm Ông La Quốc Yên đã chia sẻ về những thành công của HTX Châu Hưng trong việc phát triển lúa/rau/màu theo hướng hữu cơ, thị trường tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ. Hiện nay, HTX đang sản xuất 300 ha lúa hữu cơ theo mô hình lúa – tôm tại xã Long Hòa, sản phẩm đạt chất lượng cao và đạt được chứng nhận chuẩn Châu Âu. Ông chia sẻ thêm: “Nếu các em sinh viên có nhu cầu tham quan, thực tập thực tế về sản xuất lúa hữu cơ, HTX Châu Hưng sẽ sẵn sàng hỗ trợ giúp các em có nhiều trải nghiệm thực tiễn như quy trình canh tác lúa hữu cơ, vận hành máy bay phun thuốc (drone), quy trình canh tác rau hữu cơ để các em có cơ hội áp dụng lý thuyết vào thực tế sản xuất, giúp các em trang bị cho mình thêm các kiến thức và kỹ năng trong học quá trình học tập”.

Hình 4. Anh La Quốc Yên chia sẻ về hiệu quả của mô hình lúa hữu cơ – tôm tại xã Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh

Buổi tọa đàm đã diễn ra thành công với những chia sẻ và sự tham gia thảo luận sôi nổi của các bạn sinh viên ngành Nông nghiệp trong 3 giờ đồng hồ. Các bạn đã tiếp thu được rất nhiều kiến thức bổ ích về lĩnh vực nông nghiệp thông minh. Mong rằng những kiến thức này sẽ giúp ích cho các em có cái nhìn tổng quát cũng như định hướng nghề nghiệp của mình trong tương lai.

Hình 5. Các thành viên tham gia tọa đàm chụp ảnh lưu niệm

 

Tin & ảnh: Thúy Hải & Trúc Linh