Đào tạo theo chương trình Co-op những điều sinh viên cần biết

Học đi đôi với thực hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn và phương châm “Vì lợi ích sinh viên, vì gắn kết cộng đồng, vì việc học gắn với nghề nghiệp và kinh nghiệm” thì chương trình đào tạo Co-op là chương trình đáp ứng các yêu cầu đó mà Khoa Nông nghiệp – Thuỷ sản đang thực hiện và mang lại nhiều lợi ích tích cực cho cả người học và các bên tham gia.

Hiện nay Khoa Nông nghiệp – Thuỷ sản có 04 chương trình đào tạo theo hình thức Co-op gồm: Thú y, Nông nghiệp, Nuôi trồng thuỷ sản và Công nghệ thực phẩm, trong đó có 03 ngành đã đạt chuẩn kiểm định quốc tế theo tiêu chuẩn AUN-QA (Thú y, Nông nghiệp, Nuôi trồng thuỷ sản). Đây là chương trình phổ biến nhất và thu hút được hàng nghìn sinh viên đến với các trường đại học và cao đẳng trong và ngoài nước.

Vậy thì, tại Khoa Nông nghiệp – Thuỷ sản, chương trình Co-op là chương trình đào tạo như thế nào? Điều kiện để sinh viên tham gia và lợi ích từ chương trình là gì?

Chương trình đào tạo Co-op là viết tắt của cụm từ “Co-operative education program” được tạo ra nhằm giúp sinh viên nâng cao kiến thức chuyên môn thông qua cơ hội trải nghiệm với môi trường thực tế ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường

Co-op được biết đến là một trong những chương trình thành công nhất, là sự kết chặc chẽ giữa doanh nghiệp – sinh viên – nhà trường, giữa học thuật và thực tập thực tế tại doanh nghiệp, giúp cho sinh viên có cơ hội rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp tốt hơn song song với tích luỹ kiến thức chuyên môn. Bên cạnh đó, theo học chương trình Co-op, sinh viên sẽ được nhận mức lương xứng đáng với năng lực của mình.

Nội dung chương trình cụ thể như sau:

– Về thời gian thực hiện sinh viên thực tập thực tế tại doanh nghiệp (thực tập Co-op) tương đương 30% thời lượng của chương trình đào tạo, ví dụ chương trình đào tạo 4 năm thì trong đó có 01 năm (12 tháng) sinh viên sẽ thực tập Co-op tại doanh nghiệp và thời gian được bố trí trong từng học kỳ từ năm học thứ 2. Mỗi học phần Co-op sẽ có từ 3 – 4 kỳ và có tổng cộng là 24 tín chỉ, mỗi kỳ Co-op từ 6-8 tín chỉ.

– Nhà trường sẽ liên hệ với doanh nghiệp để cung cấp thông tin về ngành nghề đào tạo và năng lực của sinh viên sau đó doanh nghiệp sẽ phản hồi nhu cầu tiếp nhận đến nhà trường, nhà trường sẽ cung cấp thông tin về nhu cầu tiếp nhận của doanh nghiệp cho sinh viên; Sinh viên tiến hành lựa chọn và đăng ký doanh nghiệp sẽ đến để tham gia Co-op và thực hiện các thủ tục theo quy định của Nhà trường (Khoa và Trường sẽ trao đổi ký kết hợp tác với các doanh nghiệp để phối hợp đào tạo Co-op trước khi thông tin đến sinh viên để đăng ký);

Hình 1. Ký kết hợp tác giữa Trường Đại học Trà Vinh và Công ty TNHH CJ Vina Agri

(Nguồn: Website Trường Đại học Trà Vinh, 2022)

Hình 2. Ký kết hợp tác giữa Trường Đại học Trà Vinh và Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam

(Nguồn: Website Trường Đại học Trà Vinh, 2022)

– Khi được doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên sẽ làm việc như một nhân viên chính thức tại doanh nghiệp, sinh viên sẽ được phân công bố trí làm việc ở bộ phận chuyên môn, kỹ thuật của doanh nghiệp để được rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp;

– Sinh viên được trả lương và hưởng các chế độ khác của doanh nghiệp. Điều này giúp sinh viên có được nguồn thu nhập để chi trả cho các chi phí khác trong sinh hoạt, học tập (mức lương trung bình từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng/tháng tuỳ theo từng doanh nghiệp hoặc không được hưởng lương).

Hình 3. Sinh viên ngành Nuôi trồng thuỷ sản đến thực tập Co-op tại Công ty TNHH Thông Thuận

(Nguồn: Bộ môn Thuỷ sản, Khoa NN-TS, 2022)

Hình 4. Sinh viên ngành Thú y thực tập Co-op tại Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam

Hình 5. Sinh viên ngành Thú y thực tập Co-op tại Công ty TNHH CJ Vina Agri

– Sau khi kết thúc thực tập Co-op sinh viên sẽ được đánh giá học phần Co-op bao gồm đánh giá của Doanh nghiệp và đánh giá của Bộ môn quản lý trực tiếp. Doanh nghiệp sẽ đánh giá về tác phong, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng chuyên môn và các kỹ năng khác và được ghi vào sổ Co-op gửi lại cho sinh viên; Bộ môn sẽ đánh giá về kỹ năng viết báo cáo, kỹ năng thuyết trình, trình bày các công việc đã thực hiện trong quá trình thực tập Co-op. Điểm học phần Co-op = (Điểm đánh giá của DN + Điểm đánh giá của BM)/2. (Trong quá trình thực tập Co-op sinh viên sẽ được giáo viên hương dẫn viết báo cáo và chuẩn bị báo cáo bằng hình thức thuyết trình trước hội đồng).

Hình 6. Sinh viên ngành Nuôi trồng thuỷ sản báo cáo thực tập Co-op

Hình 7. Sinh viên ngành Thú y báo cáo thực tập Co-op

Điều kiện để tham gia học phần Co-op:

– Hoàn thành học phí đúng quy định của Nhà trường; Không bị kỷ luật hoặc nhắc nhở bằng văn bản do các nguyên nhân học tập hoặc đạo đức, tác phong.

– Không đang học vào học kỳ cuối tại Trường.

– Sinh viên phải hoàn thành các môn học về kiến thức cơ sở ở năm thứ nhất trước khi tham gia Co-op 1- định hướng nghề nghiệp; hoàn thành các môn chuyên ngành để tham gia Co-op 2, 3; hoàn thành các môn chuyên sâu để tham gia Co-op 4 – tổng hợp tốt nghiệp, tùy theo ngành đào tạo mà sinh viên sẽ thực hiện 3 hoặc 4 Co-op nhưng vẫn đảm bảo thời gian như nhau.

Trách nhiệm của sinh viên khi tham gia học phần Co-op:

– Hiểu được mục đích, ý nghĩa, nội dung và yêu cầu của chương trình Co-op;

– Đăng ký tham gia chương trình Co-op;

– Xem xét thông tin các doanh nghiệp được Trường giới thiệu hoặc có thể tự tìm doanh nghiệp phù hợp để đăng ký Co-op;

– Tuân thủ các chính sách, nội quy và quy định của doanh nghiệp;

– Thực hiện nhiệm vụ được phân công với tinh thần, trách nhiệm và tác phong chuyên nghiệp như một nhân viên chính thức của doanh nghiệp;

– Tận dụng thời gian tại doanh nghiệp để rèn luyện tác phong, kỹ năng nghề nghiệp, chủ động học hỏi và rèn luyện các kỹ năng khác;

Lợi ích khi sinh viên tham gia học phần Co-op:

          – Trong quá trình thực tập Co-op sinh viên sẽ được cung cấp kinh nghiệm nghề nghiệp, hiểu được các yêu cầu của vị trí nghề nghiệp trong tương lai, mở rộng phạm vi học tập ra khỏi lớp học thông qua việc làm tại doanh nghiệp;

          – Có cơ hội giao tiếp chuyên môn với người mới, tiếp cận trực quan và thực tế sinh động thông qua các công việc được làm hàng ngày, tiếp cận được môi trường sinh hoạt mới giúp sinh viên tích luỹ được nhiều kỹ năng sống.

          – Sinh viên rèn luyện được các kỹ năng mềm như giao tiếp, xử lý tình huống, quản lý thời gian, quản lý công việc, kỹ  năng báo cáo, thuyết trình… tự tin hơn trong quá trình xin việc sau khi tốt nghiệp.

          – Có nhiều cơ hội việc làm tại doanh nghiệp mà sinh viên đã tham gia thực tập Co-op, hình thành được tác phong cũng như hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình học tập và rèn luyện.

          – Được nhận lương trong quá trình thực tập do doanh nghiệp chi trả, mức lương được hưởng tuỳ theo từng doanh nghiệp (hoặc có thể không hưởng lương).

          Một số hình ảnh các doanh nghiệp hỗ trợ tư vấn hướng nghiệp và trao tặng học bổng cho sinh viên Khoa Nông nghiệp – Thuỷ sản:

Hình 8. Công ty TNHH Gia Phúc Việt Nam trao tặng học bổng cho sinh viên Khoa Nông nghiệp – Thuỷ sản

Hình 9. Công ty CP tư vấn hướng nghiệp và phỏng vấn tuyển dụng tại Khoa Nông nghiệp – Thuỷ sản

Hình 10. Công ty CPTM Thú y Agriviet tổ chức tư vấn hướng nghiệp và phỏng vấn tuyển   dụng sinh viên ngành Thú y

Hình 11. Công ty TNHH VIBO trao tặng học bổng cho học sinh Trường THPT Đại An

Tin&Ảnh: Văn Thơ