Dự án

Nuôi cua biển kết hợp với trồng rừng ngập mặn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Duyên Hải, Trà Vinh

Mô hình nuôi cua biển kết hợp trồng rừng ngập mặn không còn xa lạ đối với người dân vùng ven biển nước ta. Ở huyện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh), mô hình được thực hiện thành công góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Dự án “Xây dựng mô hình nuôi cua biển kết hợp bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn” thực hiện tại xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải, Trà Vinh. Dự án được tài trợ bởi tổ chức Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế và hỗ trợ tư vấn kỹ thuật của Trường Đại học Trà Vinh.

Tại buổi hội thảo tổng kết vào ngày 19.6, ông Nguyễn Trường Sinh, Trưởng Bộ môn Thuỷ sản, Trường Đại học Trà Vinh cho biết: Dự án này bắt đầu được triển khai từ tháng 6.2014 thu hút 20 hộ dân ấp Ba Động tham gia, mỗi hộ xây dựng mô hình từ 5000m2 đất trở lên và chia thành bốn hợp phần cụ thể. (Hợp phần 1 Tăng sản lượng cua và tôm, cá tự nhiên; Hợp phần 2 Tăng độ che phủ của rừng ngập mặn trên tổng diện tích đất nuôi trồng thuỷ sản, ít nhất 30% so với cùng kỳ năm trước. Hợp phần 3 Thành lập câu lạc bộ liên kết thủy sản và Hợp phần 4 Hội thảo và quản lý dự án.)

Anh Nguyễn Văn Trận, hộ dân thừa hưởng trực tiếp dự án vui vẻ cho biết: Từ khi gia đình tôi được tiếp cận dự án, thực hiện nuôi cua theo mô hình kết hợp với trồng rừng tự nhiên, gia đình tôi đã chủ động trồng thêm rừng và thấy mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa nuôi cua vừa cải thiện môi trường tự nhiên làm tăng sản lượng thuỷ sản. Từ khi đó, gia đình có thu nhập hàng tháng, mức sống được cải thiện hơn, cuối năm thu được 36 triệu đồng từ nguồn nuôi cua biển theo mô hình trên.


Người dân vui mừng với mô hình nuôi cua biển kết hợp với trồng rừng

ngập mặn mang lại hiệu quả kinh tế cao tại huyện Duyên Hải, Trà Vinh

Ông Nguyễn Văn Uôl, Phó Chủ tịch xã Trường Long Hoà đánh giá cao hiệu quả mang lại của dự án, đã khơi dậy và nâng cao hơn ý thức của người dân bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, góp phần cùng địa phương trong công tác phòng chống bão, lũ và thích ứng với điều kiện thời tiết nóng lên như hiện nay. Bên cạnh đó, dự án đã một phần giải quyết lao động nhàn rỗi, đặc biệt là phụ nữ qua việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Kết quả của dự án mang lại hiệu quả kinh tế bền vững cho cộng đồng.

ÔngTrần Văn Trọng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh nhấn mạnh: Đây là mô hình thiết thực cần nhân rộng đến các hộ dân và các xã ven biển nhằm nâng cao tỷ lệ che phủ của rừng ngập mặn kết hợp việc nuôi cua biển để tăng thu nhập cho người dân. Thay mặt lãnh đạo Nhà trường, Phó Hiệu trưởng cảm ơn đến tổ chức Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, lãnh đạo xã Trường Long Hoà và các hộ dân đã cùng thực hiện và quan tâm đến dự án, giúp dự án hoàn thành đúng tiến độ.