Hiệu quả từ mô hình sinh viên tự quản

Khoa Nông nghiệp – Thủy sản, Trường Đại học Trà Vinh với nhiệm vụ đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực Nông nghiệp, Thủy sản để cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương và đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội. Với nhiệm vụ đó, việc đào tạo sinh viên có trình độ chuyên môn và tay nghề gắn với thực tế xã hội là công việc mà Khoa Nông nghiệp – Thủy sản đang thực hiện mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong thời gian qua.

Một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như nâng cao trình độ chuyên môn của sinh viên đó là việc tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên thực hiện các mô hình “Sinh viên tự quản”. Bên cạnh việc sinh viên tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, các dự án cùng với giảng viên, là tác giả chính các đề tài nghiên cứu, tham gia thực tập theo chương trình đào tạo Co-op…thì việc sinh viên tự chủ trong việc thực hiện một nội dung theo chuyên ngành mình đang học với sự hướng dẫn của giảng viên theo mô hình “Sinh viên tự quản” là phương pháp học tập mang lại nhiều kết quả thiết thực.

Với mô hình “Sinh viên tự quản” các bạn sẽ được thầy, cô chuyên môn hỗ trợ với tư cách là người tư vấn kỹ thuật trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi, hay sản xuất các sản phẩm…Về phía Khoa sẽ hỗ trợ các điều kiện cơ sở vật chất về đất đai, nhà xưởng…để các bạn bố trí thực hiện mô hình. Đồng thời, các bạn sẽ rèn luyện được nhiều kỹ năng cần thiết cho quá trình học tập và làm việc sau khi ra trường như kỹ năng lập kế hoạch: các bạn sẽ lập kế hoạch thực hiện mô hình với sự tư vấn và hướng dẫn của giảng viên trên cơ sở cân đối các nguồn lực được hỗ trợ và nguồn lực của bản thân; kỹ năng quản lý thời gian trong quá trình thực hiện mô hình của mình sao cho hợp lý với thời gian học tập, kỹ năng hạch toán kinh tế sau khi kết thúc mô hình; kỹ năng giao tiếp trong quá trình học hỏi từ thầy, cô và bạn bè cùng chuyên môn…Điều quan trọng nhất trong quá trình thực hiện mô hình là các bạn sẽ nắm được các bước cụ thể của một quá trình sản xuất từ đầu vào đến đầu ra của một sản phẩm, biết được các điều kiện thực tế ảnh hưởng đến sản phẩm như thế nào, các yếu tố tác động đến hiệu quả kinh doanh cũng như những khó khăn trong việc cung ứng sản phẩm ra thị trường, …từ đó sẽ rút ra được bài học kinh nghiệm cụ thể.

Thời gian qua, sinh viên Khoa Nông nghiệp – Thủy sản đã thực hiện nhiều mô hình như: mô hình nuôi gà tây; mô hình nuôi gà nòi; mô hình nghiên cứu và phát triển sản phẩm thực phẩm (nước thanh long lên men, trà quách); mô hình trồng nấm bào ngư xám; mô hình trồng dưa hấu; mô hình trồng hoa tết; mô hình trồng dưa lưới, dưa lê trong nhà màng; mô hình trồng cải củ; mô hình thử nghiệm hoa cúc đồng tiền…tất cả các mô hình đều mang lại cơ hội học tập, thực hành chuyên môn thực tế cho sinh viên.

Bạn Đặng Ngọc Hân sinh viên lớp DA21TYC tham gia mô hình nuôi gà nòi cho biết “qua quá trình thực hiện mô hình sinh viên tự quản em học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn như: pha vaccine, pha thuốc, chẩn đoán các bệnh đơn giản trên gà như hô hấp, cầu trùng…; được tiếp xúc với nhiều dụng cụ chuyên môn như kim tiêm chuyên dụng…bên cạnh đó còn giúp em rèn luyện được các kỹ năng về tổ chức thực hiện công việc, kỹ năng quản lý thời gian…” Trong thời gian tới, Khoa Nông nghiệp – Thủy sản sẽ tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện để sinh viên tham gia thực hiện nhiều mô hình hơn nữa nhằm phát huy tối đa lợi ích cũng như kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên. Ngoài ra, các mô hình “Sinh viên tự quản” cũng được Chi bộ Khoa quan tâm, hỗ trợ tích cực, mỗi đơn vị trực thuộc 01 mô hình với số tiền là 1.000.000 đồng để giúp các em có thêm nguồn kinh phí trong quá trình thực hiện nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất.

Một số hình ảnh các mô hình:

Hình 1. Sinh viên lớp DA21TYC thực hiện mô hình nuôi gà nòi

Hình 2. Mô hình nuôi gà nòi tại Bộ môn CNTY (tt)

Hình 3. Mô hình trồng hoa cúc đồng tiền tại Bộ môn Nông nghiệp

Hình 4. Mô hình trồng dưa tại Bộ môn Nông nghiệp

Hình 5. Sinh viên ngành Nông nghiệp chăm sóc dưa trong nhà màng

(Nguồn: Bộ môn Nông nghiệp)

Tin: Văn Thơ