Hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên

Đề tài nghiên cứu khoa học “Ảnh hưởng của phụ phẩm trồng nấm bào ngư và cơ chất bổ sung lên sự phát triển và năng suất của nấm rơm[Volvariella volvacea (Bull.: Fr.) Sing.được thực hiện từ tháng 7/2021 đến tháng 2/2022 bởi em Bùi Đăng Khoa – lớp DA19CNSH (chủ nhiệm đề tài) và em Trần Hoàng Nhân – lớp DA19NN (thành viên chính), thuộc khoa Nông nghiệp-Thủy sản, Trường Đại học Trà Vinh dưới sự hướng dẫn của TS. Lưu Thị Thúy Hải-Trưởng Bộ môn Trồng trọt và Phát triển Nông thôn.

Nấm rơm hay còn gọi là nấm mũ rơm, tên tiếng Anh:  Paddy straw mushroom; Tên khoa học: Volvariella volvacea (Bull. ex F.) Singer. Nấm rơm được trồng chủ yếu ở các tỉnh miền Đông Nam bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đồng thời, mô hình trồng nấm ăn và nấm dược liệu, bao gồm nấm bào ngư xám cũng được triển khai thực hiện rất nhiều ở khu vực ĐBSCL cũng như trong cả nước do hiệu quả kinh tế của mô hình mang lại cho người dân. Mô hình trồng nấm bào ngư được xem như một mô hình sản xuất ứng phó với biến đổi khí hậu. Phụ phẩm (mùn cưa) sau khi trồng nấm chứa hàm lượng dinh dưỡng đạm, lân và kali cao. Do đó, phụ phẩm sau khi trồng nấm này có thể có thể được sử dụng như nguồn cơ chất để sản xuất các loại nấm khác như nấm mèo, nấm bạch dương đen và nấm rơm. Cả 2 mô hình trồng nấm rơm và nấm bào ngư hiện đang mang lại thu nhập không nhỏ cho người dân để cải thiện đời sống.

Vì vậy, để nâng cao chuỗi giá trị trong các mô hình sản xuất nấm bào ngư cũng như để giảm thiểu tác động đến môi trường do sản xuất nấm, xử lý chất thải mùn cưa đã qua sử dụng và đánh giá khả năng phù hợp của loại phụ phẩm này cho sản xuất nấm rơm, nghiên cứu “đánh giá tiềm năng sử dụng phụ phẩm sau khi trồng nấm bào ngư (mùn cưa thải) ở các tỷ lệ phối trộn khác nhau và ảnh hưởng của cơ chất bổ sung lên năng suất và hiệu quả sinh học của nấm rơm” đã được thực hiện bởi các bạn sinh viên Khoa Nông nghiệp – Thủy sản, Trường Đại học Trà Vinh.

Hình 1. Em Trần Đăng Khoa đang báo cáo thuyết minh trước Hội đồng Khoa học Trường

 Hình 2. Em Trần Đăng Khoa đang báo cáo nghiệm thu trước Hội đồng Khoa học Trường

Kết quả nghiên cứu cho thấy, phụ phẩm nấm bào ngư có thể được tận dụng để sản xuất nấm rơm. Với thành phần cơ chất là 100% mùn cưa thải bổ sung thêm 0,5% cám bắp và 0,5% cám gạo thì năng suất trung bình đạt 2345,6 g/trụ nấm và hiệu suất sinh học là 13,1%. Đồng thời nghiên cứu này cũng đã chỉ ra rằng trồng nấm rơm trên cơ chất sau khi trồng nấm bào ngư có thể phù hợp trồng được ở cả điều kiện trong nhà và ngoài trời. Như vậy, có thể thấy rằng, bằng việc tận dụng mùn cưa thải sau khi trồng nấm bào ngư, bà con có thể sản xuất được nấm rơm để nâng cao chuỗi giá trị trong các mô hình sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu hiện nay. Phương pháp trồng nấm rơm trên mùn cưa thải dễ ràng được thực hiện hơn so với phương pháp trồng nấm rơm truyền thống trên cơ chất là rơm rạ. Quy trình xử lý mạt cưa thải dễ và không tốn thời gian cũng như công sức.

Hình 3. Quả thể nấm rơm ở các trụ nấm của đề tài nghiên cứu

Đồng thời nghiên cứu này cũng đã chỉ ra rằng trồng nấm rơm trên cơ chất sau khi trồng nấm bào ngư có thể phù hợp trồng được ở cả điều kiện trong nhà và ngoài trời. Kết quả của nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Khoa học công nghệ và Nông nghiệp Việt Nam, số 11/2021 (https://tapchi.vaas.vn/vi/tap-chi/anh-huong-cua-gia-the-sau-khi-nuoi-trong-nam-bao-ngu-va-dinh-duong-bo-sung-den-sinh-truong). Đây là tạp chí trong nước uy tín, có quy trình phản biện khắt khe và thuộc danh mục tạp chí được tính điểm công trình của Hội Đồng Giáo sư Nhà nước.

Đề tài đã được nghiệm thu ngày 31/5/2022 và được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại TỐT với số điểm là 8,25 điểm. Em Bùi Đăng Khoa chia sẻ rằng: “Sau khi thực hiện thành công đề tài nghiên cứu này, em rất vui vì góp phần vào việc giúp người nông dân có thêm kỹ thuật trồng nấm rơm mới và tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho nông hộ cũng như góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do những phụ phẩm này gây ra”. Đồng thời, các em phát triển được rất nhiều về năng lực nghiên cứu khoa học, khả năng tư duy, kỹ năng phản biện, kỹ năng tổ chức hoạt động, kỹ năng quản lý thời gian và kỹ năng làm việc nhóm. Các em mong muốn được tiếp tục thực hiện nghiên cứu và trong thời gian tới nhóm có dự định sẽ thực hiện nghiên cứu về sản xuất meo nấm rơm chất lượng để có thể chủ động cung cấp nông dân địa phương.

 

Tin & ảnh: Trúc Linh & Thúy Hải