Hội thảo quốc tế Nghiên cứu nông nghiệp phát triển bền vững

(TVU) Sáng 22.9, hơn 200 đại biểu là các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam, các chuyên gia về nông nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp tham dự Hội thảo quốc tế Việt Nam – Hungary lần thứ 9, diễn ra tại ĐH Trà Vinh. Hội thảo lần này do Trường Đại học Trà Vinh và Viện Nghiên cứu và hợp tác về bảo tồn gen Katki, Hungary phối hợp tổ chức với chủ đề Nghiên cứu nông nghiệp phát triển bền vững.hoi_thao_viet_hung_lan_9_-_dh_tra_vinh                                                 Hội thảo quốc tế Việt – Hung: Nghiên cứu nông nghiệp phát triển bền vững

Năm bài tham luận được các diễn giả trình bày tại phiên làm việc buổi sáng gồm: Bảo tồn và phát triển giống vật nuôi truyền thống của Hungary tại Trung tâm nghiên cứu HáGK của TS. Szalay István, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn Gene Vật nuôi trang trại, Hungary; Nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu của TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch và Giám đốc Điều hành của RYNAN AgriFoods, Trà Vinh, Việt Nam; Phát triển nuôi trồng thuỷ sản thích ứng biến đổi khí hậu của GS.TS. Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ; Bảo tồn gen cho động vật ở Việt Nam của PGS. TS. Nguyễn Văn Đức, Biên tập viên Tạp chí Khoa học và Kỹ thuật Chăn nuôi và bài tham luận về Liên kết vùng và thích ứng biến đổi khí hậu của PGS. TS. Nguyễn Văn Sánh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long.

Tại bốn phiên làm việc buổi chiều, các nhà khoa học tiếp tục tập trung thảo luận và tìm các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững trong điều kiện hiện nay. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng bàn giải pháp bảo tồn gen, quản lý môi trường, phát triển công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch…
Hơn 10 tham luận của giảng viên Đại học Trà Vinh tham gia tại các phiên hội thảo với các chủ đề nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất giống cây trồng, giống thủy sản chất lượng – thích nghi với biến đổi khí hậu.
TS. Lâm Thái Hùng, Trưởng khoa Nông nghiệp Thuỷ sản (ĐH Trà Vinh) cho biết, Ban tổ chức đã nhận được trên 60 bài nghiên cứu có giá trị của các tác giả trong và ngoài nước gửi về. Các bài nghiên cứu gắn liền với phát triển nông nghiệp, bảo tồn gen và các vấn đề liên quan đến ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thu về giá trị cao…

Trước thềm hội thảo, Đại học Trà Vinh đã chỉ đạo Khoa Nông nghiệp Thuỷ sản tiến hành nghiên cứu một số lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt… Kết quả có nhiều đề tài nghiên cứu, nhiều mô hình sản xuất đã chuyển giao thành công đến người dân mang lại giá trị kinh tế cao như: Đề tài nuôi vỗ béo bò bằng phế phẩm cây đậu phộng; đề tài sản xuất luá theo chuẩn VietGap; mô hình cấy phôi dừa sáp; mô hình nuôi chim cút Nhật Bản…

Chỉ riêng năm 2016 đã thực hiện tới 15 đề tài nghiên cứu các cấp, trong đó có cả nghiên cứu hợp tác quốc tế, nhằm tìm ra những mô hình, giải pháp góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, hỗ trợ nông dân làm giàu.

Theo PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Đại học Trà Vinh cho biết, sản xuất nông nghiệp gần đây gặp nhiều bất lợi do thời tiết thất thường, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán và xâm nhập mặn gây thiệt hại nặng nề cho cây lúa, cây ăn trái, nuôi thủy sản… Trước nhu cầu bức thiết về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cũng như tìm giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, “Hội thảo là dịp để các nhà khoa học trong và ngoài nước, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp trao đổi những ý tưởng mới; tìm ra những mô hình sản xuất mới thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời mở rộng liên kết, hợp tác cùng phát triển nền nông nghiệp bền vững”.

Tiến sĩ Đỗ Thị Đông Xuân, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn Gen và Hiệp hội bảo tồn Gen động vật nhỏ (Hungary) nói tại buổi tổng kết, hội thảo lần này có sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp từ các viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng, các sở khoa học công nghệ, nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp trong nước, đặc biệt còn có sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các nước Hungary, Hoa kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia…. Bà đánh giá cao sự thành công của Hội thảo lần này tại ĐH Trà Vinh và Hội thảo Việt Nam – Hungary lần thứ 10 sẽ được tổ chức tại đất nước Hungary vào năm 2018.

Hoạt động hội thảo

viethung-drkhanhPGS.TS. Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng ĐH Trà Vinh phát biểu khai mạc

viethung-3TS. Szalay István, trình bày tham luận tại Hội thảo

viethung_chieu-26 viethung_chieu-18 viethung_chieu-16 viethung_chieu-10Các nhà khoa học thảo luận tại các phiên làm việc buổi chiều

T.S