Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao

MÔ HÌNH TỰ QUẢN CỦA SINH VIÊN NGÀNH NÔNG NGHIỆP

Mô hình “Trồng dưa lưới công nghệ cao” được thực hiện từ tháng 5/2021 bởi các bạn sinh viên chuyên ngành Nông nghiệp lớp DF20NN08, thuộc Bộ môn Trồng trọt và Phát triển Nông thôn, Khoa Nông nghiệp-Thủy sản, Trường Đại học Trà Vinh dưới sự hướng dẫn của cô Trần Thị Bích Chi.

Dưa lưới, tên khoa học là Cucumis melo L. được xem là loại trái cây số một tại Châu Âu và chiếm giữ vị trí quan trọng trên thị trường. Dưa lưới là loại thực phẩm có giá trị dinh duỡng cao, hàm lượng chất chống oxi hóa cao như các hợp chất phenolic (flavonoid), ascorbic acid (vitamin C) là các chất có lợi cho sức khỏe trong việc phòng chống bệnh ung thư và tăng cường hệ miễn dịch. Dưa lưới phát triển tốt trong điều kiện khí hậu ấm và khô, nhiều ánh sáng. Độ ẩm cao và mưa có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây và chất lượng của trái. Vì vậy có thể nói dưa lưới là loại cây khó trồng trong điều kiện canh tác truyển thống bên ngoài đồng ruộng như hiện nay.

Hoạt động chăm sóc dưa

Trong mô hình này, dưa lưới được trồng trong nhà nhà kính, sử dụng các túi giá thể gồm 2 lớp, lớp trong màu đen để làm mát giá thể, giúp rễ cây phát triển tốt, lớp ngoài màu trắng có tác dụng phản xạ ánh sáng mặt trời và không hấp thu nhiệt. Mô hình được lắp đặt hệ thống cảm biến tự động tưới nước theo độ ẩm của đất và không khí. Hệ thống tưới nhỏi giọt giúp cung cấp chính xác lượng nước và dinh dưỡng đến mỗi cây theo từng thời kỳ sinh trưởng.

Việc thực hiện các mô hình tự quản trong thời gian học tập tại trường giúp sinh viên rèn luyện tay nghề và áp dụng lý thuyết vào thực tế, tiếp cận và trực tiếp thực hành các kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hiện đại. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để các em hoàn thiện các kỹ năng mềm cho bản thân như kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng quản lý nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tư duy và giải quyết vấn đề…Việc trang bị kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm trong thời gian học tập sẽ giúp các bạn sinh viên đạt được những thành công trên con đường nghề nghiệp sắp tới.

Kiểm tra độ Brix để chuẩn bị thu hoạch và dưa thương phẩm

Mô hình đã được thực hiện thành công, cây dưa phát triển tốt và khỏe mạnh, chất lượng trái đạt độ Brix trên 15, đạt tiêu chuẩn an toàn do sản phẩm phòng trừ bệnh hại được sử dụng từ các sản phẩm sinh học. Sản phẩm được bán ra trên thị trường tỉnh Tra Vinh và nhận được phản hồi tích cực về chất lượng sản phẩm từ cộng đồng. Trong thời gian tới, các bạn sinh viên trong nhóm sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch sản xuất dưa lưới nhằm mang đến sản phẩm chất lượng cung cấp cho cộng đồng.

 

Tin & ảnh: Thúy Hải & Trúc Linh